1. Độ bóng/mờ của bề mặt sơn nội thất
Độ bóng/mờ của bề mặt sơn sau khi hoàn thiện sẽ có ảnh hưởng lớn đến bức tường của bạn. Bạn nên cân nhắc nhiều yếu tố ngoại cảnh để quyết định mình nên chọn sơn tạo bề mặt như thế nào.
Với các khu vực được sử dụng thường xuyên, mọi người trong gia đình qua lại nhiều hay phòng trẻ em, bạn nên chọn sơn nội thất bề mặt bóng (gloss hoặc satin) vì sẽ dễ lau chùi, làm sạch các vết bẩn trên tường. Tuy nhiên, với độ bóng này, những vết vân tường, vá tường sẽ dễ bị lộ hơn. Một bề mặt mờ, lì sẽ không dễ làm sạch và không chịu được nhiều vết va chạm. Nhưng những dấu vết tường không bằng phẳng sẽ được giấu đi đáng kể.
Dòng Sơn nội thất Nippon Paint Odour-less có màu sắc tươi sáng, gồm các dòng tạo bề mặt từ mờ đến siêu bóng, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tân trang không gian ở của bạn.
2. Lựa chọn màu sắc sơn nội thất phù hợp
Đừng ngại sử dụng những màu sắc táo bạo. Hãy chọn màu nhấn để tăng thêm chiều sâu cho căn phòng. Nếu hiểu được ý nghĩa của mỗi màu sắc, bạn sẽ biết sử dụng chúng theo nhu cầu của bạn. Ví dụ một màu sắc êm dịu, như các màu tông xanh lam, sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho phòng ngủ.
3. Thử mẫu trước
Không cần phải đoán già đoán non màu này có hợp với tường nhà bạn không, hãy mua 1 lon sơn mẫu nhỏ về nhà và kiểm tra. Điều này giúp bạn đánh giá một màu trông như thế nào trên một diện tích lớn hơn là những ô màu minh họa bạn tìm được trong bảng màu sơn. Bạn sẽ tiết kiệm được khoản tiền đáng kể nếu như chẳng may có lựa chọn sai màu sơn.
4. Hãy tính toán kỹ càng lượng sơn nội thất cần mua
Tất nhiên bạn sẽ phải biết tổng diện tích cần sơn (cộng thêm tất cả các góc gồm hộc tường, cửa sổ, góc mái nhà) và số lớp sơn lót, sơn phủ bạn sẽ sơn cũng như độ xốp của tường. Ngoài ra bạn cũng nên tính toán sao cho có một lượng sơn dư để cho các công việc sửa chữa sau này.
5. Chuẩn bị
Công việc chuẩn bị sẽ chiếm phần lớn thời gian trong công cuộc sơn nội thất nhà bạn. Bạn sẽ cần dán băng keo tại những mép cần sơn thẳng, di chuyển đồ đạc, sửa chữa hay vá các mảng tường không bằng phẳng, bảo vệ sàn nhà, tháo rời các vật như tay nắm cửa, … Công tác chuẩn bị này chắc chắn sẽ chiếm ít nhất ¾ thời gian của bạn.
6. Sơn lót là chìa khóa làm nên sự khác biệt
Bạn cần sơn lót trước khi sử dụng sơn phủ nội thất, trừ khi bạn sử dụng sơn hỗn hợp tất cả trong một. Đặc biệt với trường hợp bạn muốn đổi màu tường sang màu trái ngược với lớp sơn cũ, bạn sẽ cần đến sơn lót màu. Sơn lót không chỉ che phủ màu tường cũ, giấu đi các vết bẩn, mà còn cho phép lớp sơn phủ lên màu đẹp hơn, bền hơn.
7. Sơn viền
Sơn viền (sơn các góc và cạnh) giúp bạn có thể dễ dàng sử dụng con lăn / cọ sơn lớn cho diện tích bên trong. Nếu làm ngược lại, sơn bên trong trước thì nguy cơ bạn sẽ để lại những đường không bằng phẳng và đẹp mắt ở các góc và cạnh giao thoa. Bằng cách sơn viền trước, mặc dù có vẻ như sẽ mất nhiều thời gian, bạn sẽ có thể dễ dàng làm việc với khu vực bên trong và đạt được kết quả như ý.
8. Sử dụng con lăn sẽ hiệu quả hơn
Sử dụng con lăn sẽ cần thêm nhiều thiết bị hỗ trợ nhưng nó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với cọ sơn. Đưa con lăn chéo hoặc theo hình W sẽ giúp tăng độ phủ và làm bề mặt mịn hơn.
9. Sử dụng gậy nối dài cho con lăn
Thay vì sử dụng thang để sơn những khu vực cao, gậy nối giúp gia tăng độ dài cho con lăn sơn sẽ tiết kiệm thời gian và linh hoạt hơn nhiều. Bạn có thể chạm được đến những vị trí cao như trần nhà mà không cần di chuyển quá nhiều.
10. Pha một lượng sơn đủ lớn
Để tránh tình trạng màu sơn không đều do bị pha nhiều lần khác nhau, bạn hãy nhớ pha một lượng sơn đủ lớn vào vật chứa thể tích đủ to, có thể niêm phong lại để bảo quản.
Hiện nay bạn có thể nhờ đến đại lý sơn của hãng sơn uy tín với các máy pha màu hiện đại để tạo được màu sơn bạn cần. Hãy lưu lại mã màu sơn bạn chọn để có thể mua thêm đúng màu đó, đảm bảo các diện tích sơn đều màu nhất.